Áo tấc - Trang phục trang trọng thời nhà Nguyễn Thái Tử Sin TV Friday, July 24, 2020 No Comment


Áo tấc, hay còn gọi là áo ngũ thân tay thụng, áo lễ hoặc áo thụng, là một trang phục truyền thống của Việt Nam.  Áo tấc được mặc cùng với quần dài, che thân từ cổ đến hoặc quá đầu gối và dành cho cả nam lẫn nữ với cổ đứng cài cúc bên phải của người mặc, tà áo chắp từ năm mảnh vải, tương tự áo ngũ thân tay chẽn nhưng tay dài và thụng. 

Đây là loại lễ phục trang trọng thời nhà Nguyễn và sau này, tương tự như áo Vest ngày nay. Cái tên "áo tấc" xuất phát từ phần viền áo rộng đúng 1 tấc (4 cm).
Trước đây, áo tấc thường được mặc kết hợp cùng với mũ tú tài, hay là khăn đóng.
Áo tấc được xuất hiện từ những cải cách y phục của Chúa Nguyễn Phúc Khoát tại 2 xứ Thuận Hóa và Quảng Nam xưa.
Trong Đại Nam thực lục chép: “Chúa cho rằng lời sấm nói tám đời trở lại trung đô , bèn thay đổi y phục, thay phong tục, cùng dân đổi mới; châm chước chế độ các đời, định triều phục văn võ, văn từ quản bộ đến chiêm hậu, huấn đạo; võ từ chưởng dinh đến cai đội, mũ sức vàng bạc, áo dùng Mãng bào hoặc gấm đoạn theo cấp bậc. Thế là văn vật một phen đổi mới.”
Dã sử lược biên Đại Việt Quốc Nguyễn Triều thực lục ghi lại: “Chúa cho rằng lời sấm cổ có nói tám đời quay lại trung đô, tính từ thời Thái Tổ đến nay vừa đúng con số ấy, bèn thay y phục, đổi phong tục, cùng dân đổi mới, bắt đầu hạ lệnh cho các nam nữ sĩ thứ trong nước , đều mặc áo nhu bào, mặc quần, vấn khăn. tục gọi quần chân áo chít bắt đầu từ đây.”


Trong chỉ hơn 30 năm thì cải cách đã có ảnh hưởng sâu rộng đến 2 vùng Chúa trị và người dân đều đã quen dần, bước đầu cho sự phổ biến này. Tiếp đến sự thành lập của nhà Nguyễn và những sắc lệnh thống nhất y phục trong toàn quốc của hoàng đế Minh Mạng vào các năm 1828, 1829, 1830, 1832, 1837, 1842 đã khiến áo dài năm thân, tiền thân của áo tấc lan đến khắp làng xã trong cả nước trở thành loại áo từ thường dân đến thiên tử đều có thể mặc vào các dịp trang nghiêm từ các lễ yết miếu, từ đường, việc hỷ, cũng như các việc thăm viếng quan trọng.

Tùy theo tầng lớp mà trên áo sẽ được thêu long, phượng,... hay hoa, lá,... hoặc thậm chí là áo trơn. Chất liệu cũng tùy vào bối cảnh của người mặc mà thay đổi.
Áo ngũ thân che kín thân mình không để hở áo lót. 2 vạt trước ghép viền, nối thành sống áo theo trục tung từ cổ thẳng xuống đuôi áo. 2 vạt sau cũng nối sống lại với nhau (vị chi thành 4) tượng trưng cho tứ ân phụ mẫu (bên chồng, bên vợ), và vạt  con phía tay phải nằm trong vạt trước chính là thân thứ 5, tượng trưng cho chính người mặc áo.
Vạt con nối với 2 vạt sau nhờ cổ áo có bâu đệm, và khép kín nhờ 5 chiếc khuy, tượng trưng cho ngũ thường theo quan niệm Nho giáo (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) và ngũ hành theo triết học Đông phương (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Trong sinh hoạt thường ngày, người đàn ông mặc áo chẽn tay để thuận tiện, nhưng trong nghi lễ trang trọng người ta sẽ mặc áo tay thụng, chính là áo tấc. Khăn vấn hình chữ Nhân, hoặc chữ Nhất, tượng trưng cho nhân nghĩa, lòng nhân, sự cương trực, nhất tâm được đặt lên hàng đầu.
Với cách thiết kế của người Việt như vậy, khi ngồi xuống ghế tràng kỷ, 2 chân để dạng bằng vai, 2 vạt trước và vạt trong của áo phủ trùm lên hai đầu gối tạo ra sự bề thế, đường vệ, uy nghi mang phong thái một đấng nam nhi quân tử.





by Thái Tử Sin

Chào mừng các bạn đến với kênh website Thái Tử Sin TV. - $$$ DONATE: Mọi ủng hộ tài chính để phát triển kênh Thái Tử Sin TV vui lòng gửi tới tài khoản Techcombank: 19021947007023 - Chủ TK: Nguyen Thi Lang

Theo dõi trên các nền tảng khác Twitter | Facebook | Google Plus

No Comment