Theo những
phát hiện khảo cổ học, di truyền học cũng như huyền sử còn lưu lại cho tới ngày
nay, có thể khẳng định rằng, người Việt chúng ta đã có nhà nước độc lập với mô
hình hoàn chỉnh từ 5000 năm trước, mà sử cũ còn lưu lại tên là vương quốc Xích
Quỷ thời vua Kinh Dương Vương, và tiếp đó là vương quốc Văn Lang dưới thời Hùng
Vương. Các vương quốc của người Việt đi lên, phát triển từ các thị tộc Hồng
Bàng, Thần Nông Thị của các chủng tộc người Việt hơn 6000 năm trước. Các vương
quốc này của người Việt rất rộng lớn, trải dài khắp miền Nam sông Dương Tử.
Nhưng mô hình
nhà nước của tổ tiên ta xưa không theo hướng trung ương tập quyền như các vương
quốc của người Hán tử thuở ban đầu. Trong đó vua của người Hán luôn con mình là
Thiên tử, có quyền sinh quyền sát thay trời " hành đạo". Có quyền coi
mình là " thượng đẳng", và coi thường các dân tộc xung quanh, gọi họ
là man di mọi rợ. Đây là một dạng não trạng của các dân tộc du mục phương Bắc,
coi cường quyền bạo ngược là sức mạnh, không trọng lễ nghi cương thường.
Trên thực tế
vương quốc Văn Lang của các vua Hùng theo mô hình nhà nước liên bang. Nhà vua
hay Việt đế cũng tương tự như Thủ tướng có quyền lực tại toàn liên bang, nhưng
đồng thời cũng phân quyền cho các thủ lĩnh quản lý tại địa phương, ngày xưa gọi
là các bộ, cũng tương tự như thủ hiến của các bang bây giờ. Mỗi Bang ( hay Bộ)
có thể có một số khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, điều luật do sai biệt về địa
lý, nhưng tựu trung đều phải thống nhất theo điều luật liên bang, và quyết định
của các vua Hùng là mang tính chất quyết định cao nhất.
Huyền sử Việt
còn lưu lại như sau: Xưa kia vua Đế Minh, cháu ba đời vua Thần Nông,
đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh gặp Tiên nữ, kết hôn với
nhau, sinh được một con trai đặt tên là Lộc Tục. Vua Đế Minh ở với Tiên nữ
ít lâu rồi trở về phương Bắc. Ngài truyền các quan lập đàn tế trời rồi thề rằng:
"Ta nhất sinh có nhiều cung tần mỹ nữ, nhưng chỉ sinh có một Thái tử. Sau
lại kết hôn với Tiên nữ ở hồ Động Đình mà có thêm Lộc Tục. Vậy ta
phong Thái tử làm vua phương Bắc đến núi Ngũ Lĩnh. Từ núi Ngũ Lĩnh về Nam, gọi
là Lĩnh Nam, phong cho Lộc Tục làm vua. Trước đất trời nguyện rằng: Nam, Bắc
cương thổ có khác. Nam không xâm Bắc. Bắc không chiếm Nam. Kẻ nào phạm lời nguyền
thì chết dưới đao thương".
Kể từ đấy thiên hạ chia đôi. Bắc do vua Đế
Nghi cai trị. Nam do Lộc Tục lên ngôi, hiệu là Kinh Dương Vương. Đất
Lĩnh Nam phía bắc tới hồ Động Đình , phía nam giáp với nước Hồ Tôn, phía
tây giáp với Ba Thục, đông giáp biển Nam Hải. Kinh Dương Vương kết
hôn với con gái của Động Đình Quân là Long Nữ đẻ
ra Sùng Lãm. Thái tử Sùng Lãm kế tục ngôi vua lấy hiệu là Lạc Long
Quân. Lạc Long Quân kết hôn với Công chúa Âu Cơ con vua Đế Lai,
sinh được trăm con. Lạc Long Quân truyền ngôi cho con trưởng làm vua, hiệu
là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Lại phong 99 con mỗi người
làm chủ một ấp, vì vậy đất Lĩnh Nam mới có trăm họ. Đó là nguồn gốc Bách
Việt.
Theo "Lĩnh
Nam chích quái" (嶺南摭怪), quyển 1, Hồng Bàng thị truyện (鴻龐氏傳) thì nước Văn Lang được
chia thành 15 bộ (部), còn gọi là quận (郡), bao gồm: Việt Thường (越裳), Giao Chỉ (交趾) ,Chu Diên (朱鳶), Vũ Ninh (武寧), Phúc Lộc (福祿), Ninh Hải (寧海), Dương Tuyền (陽泉), Lục Hải (陸海), Hoài Hoan (懷驩), Cửu Chân (九真), Nhật Nam (日南), Chân Định (真定,) Văn Lang (文郎), Quế Lâm (桂林), Tượng Quận (象郡)
Vua chúa
người Việt không chuyên quyền độc đoán như vua chúa Hán tộc, mà cai trị con dân
bằng tài đức, bằng lòng nhân ái khoan hòa. Vì đây cũng chính là bản tính của
người Việt chúng ta từ xưa tới nay. Người phương Nam, lại là cư dân nông nghiệp
nên từ vua quan cho tới dân chúng đều có bản tính chất phác thật thà và quân tử.
Trong Lịch triều
hiến chương loại chí có ghi " Lúc bây giờ, vua tôi cùng đi cày, cha con tắm
chung sông không chia giới hạn, không phân biệt uy quyền, thứ bậc. Dân đều vẽ
mình, uống nước bằng mũi, cùng nhau vui chơi vô sự"
Các vua
Hùng cũng đều là các bậc đại tài, đại đức nên đã dạy dân chúng biết nhiều điều
hay lẽ phải. Trong Lĩnh Nam chích quái có ghi chép: Bấy giờ, dân
trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng
nhau tâu việc ấy với nhà Vua. Vua Hùng mới răn dạy rằng : “Các giống ở
trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống
với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại”. Thế rồi, nhà
vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người. Từ
đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt
đầu có kể từ đấy.
Tính từ thời điểm
lập nước Xích Quỷ, Văn Lang gần 5000 năm trước, cho tới khi bị nhà Tần Hán xâm
lược, thì nhà nước của các vua Hùng đã kéo dài tới cả hơn 2000 năm. Với khoảng
thời gian đó người Việt đã tạo nên cả một nền văn minh lúa nước Bách Việt vĩ đại
sớm nhất ở Á Châu, nền văn hóa quân tử của phương Nam mà chính Khổng Tử cũng phải
thừa nhận, nền triết học âm dương ngũ hành là nền tảng của văn hóa phương Đông.
Chính cái gốc cái nền tảng đó là cội nguồn sức mạnh khiến cho người Việt dù
hàng ngàn năm bị người Hán xâm lược và tìm cách đồng hóa mà vẫn bất khuất, kiên
cường đấu tranh hết lần này tới lần khác.
Hiện nay
người Việt Nam vẫn tự hào mình là con Rồng cháu Tiên, là hậu duệ của Thần Nông Viêm Đế, của các vua
Hùng. Và chỉ có người Việt Nam hiện nay là có tính chính danh để trở thành người thừa kế
chính đáng và duy nhất của nền văn minh Bách Việt vĩ đại phía Nam sông Dương Tử
!
No Comment