Cảm nhận của đại thi hào Nguyễn Du khi qua đất cũ Triệu Đà Thái Tử Sin TV Tuesday, December 22, 2020 No Comment

 


Năm 1813, Nguyễn Du đi qua cửa Nam Quan  từ ngày 6-4 đến vùng đất cũ  của Triệu Vũ Đế tức Triệu Đà. Năm 297 TCN, Triệu Đà đánh  thắng An Dương Vương sát nhập Âu Lạc vào quận Nam Hải. Triệu Đà đã thống nhất các  dân tộc Bách Việt vùng Lĩnh Nam, từ lâu đời có chung  tiếng nói, phong tục       trồng lúa nước , dùng con trâu, cái cày, đội nón lá, có tục ăn trầu, xăm mình, làng mạc có lũy tre, có đình miếu, có phong tục riêng của tộc Việt phương Nam.

Triệu Đà xưng Đế hiệu, liên minh với các Lạc Hầu, Lạc Tướng xưng Vương tự trị rộng rãi, thành lập một nước gọi là Nam Việt tồn tại 96 năm từ năm 207 TCN đến 111 TCN,  trải qua 5 triều vua. Đất Nam Việt bao gồm vùng Quảng Đông, Quảng Tây, một phần Vân Nam, Quý Châu và miền Bắc nước ta đến Nghệ Tĩnh, đóng đô tại Phiên Ngung nay là Quảng Châu.

Triệu Đà là người đầu tiên xưng Đế hiệu độc lập với nhà Hán, quy tụ dân tộc Bách Việt với một lãnh thổ rộng lớn. Dù ngày nay một phần lớn lãnh thổ đó không còn nữa, nhưng với nền độc lập gần trăm năm,  nó cũng là một mốc lớn trong lịch sử nước Nam độc lập với phương Bắc. Ngày nay nước Nam Việt còn để lại những di chỉ  khảo  cổ phong phú, những ngôi mộ cổ quy mô với hàng ngàn hiện vật vàng, ngọc, đồng đá.

               Nguồn gốc của Triệu Đà còn gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, vào thời kỳ này chưa có khái niệm dân tộc Hán,  triều Hán. Sau khi Lưu Bang thành lập, phải trải qua bốn trăm năm đồng hóa các dân tộc khác biệt người Trung Hoa mới  tự nhận mình là người Hán.

Từ triều Hán khởi đầu  việc thống nhất về chữ viết Hán tự, còn gọi là chữ Nho cho các việc quan, ‘ quan thoại ‘ , vì từ vùng này sang vùng khác, tiếng nói phát âm khác biệt không hiểu nhau. Tiếng Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu, Phúc Kiến, Bắc Kinh.. đều không giống nhau. Vào thời Triệu Đà, Trung Quốc có hơn hàng trăm  tiếng nói dân tộc khác biệt.

Cũng như các dân tộc Đông Á khác, người Việt Nam dùng chữ Nho,  tiếng Hán Việt trong việc quan, đình, chùa, dần dà để phiên âm những tên người, tên đất, còn những phát âm không có trong chữ Hán, mới hình thành chữ Nôm.

Nền học vấn nước ta từ thời Sĩ Nhiếp được tôn là ‘Nam Bang học tổ’, cho đến năm 1918, là năm cuối cùng bỏ kỳ thi Hương, suốt hai ngàn năm  đều dùng chữ Hán, cả một kho tàng văn hóa Việt Nam các sáng tác đều dùng chữ Nho, chữ Nôm chỉ là phần phụ thuộc. Giao Châu, Luy Lâu thời Tam Quốc loạn lạc  là một nơi thanh bình, chùa chiền san sát, giới sĩ phu Trung Quốc sang tị nạn, nhà sư Tây Trúc dừng chân,  nơi đây trở thành  nơi tập trung việc  dịch Kinh Phật , phát triển nghề làm giấy và in kinh.

Phương  nam đã biết làm giấy trước trong khi tại Sơn Tây quê hương đạo Khổng  còn chép Tứ Thư, Ngũ Kinh trên thẻ tre, thanh sử.  Các sứ thần nước ta ngày xưa, khi tiếp xúc, hay xướng họa thơ  với các quan Trung Quốc, Triều Tiên, Lưu Cầu hay Nhật Bản  đều phải dùng bút đàm, hay qua người thông dịch. Thi hào Nguyễn Du từng có ba năm đi thăm Trung Quốc (1787-1790)  nói được thông thạo. Chính vì vậy Nguyễn Du đã được tiếp  sứ nhà Thanh là Tề Bồ Sâm năm 1803 sang phong vương vua Gia Long  và làm Chánh Sứ năm 1813. Cụ Phan Bội Châu đầu thế kỷ 20 khi tiếp xúc với các nhân sĩ Trung Hoa, Nhật Bản thường dùng bút đàm.

                 Thời Xuân Thu Chiến Quốc, bảy nước lớn mới bị Tần đánh chiếm năm 221 TCN nên sự phản kháng chống đối giữa các nước khác tiếng nói còn dữ dội với những trận chiến đẫm máu. Tướng Bạch Khởi giết 400 ngàn hàng binh nước Triệu hay Hạng Vũ giết 200 ngàn hàng binh nhà Tần trên một địa bàn  lãnh thổ dân số khoảng 20 triệu người là những sự kiện kinh hoàng, chưa mờ phai trong ký ức thời ấy. Do đó không thể lấy nguồn gốc dân tộc Hán áp đặt lên một nhân vật có trước đời Hán. Việc Triệu Đà thành lập một quốc gia có chung một dân tộc Bách Việt có nhiều nhóm, chung tiếng nói, phong tục, không có nghĩa là người Hán cai trị Bách Việt.  

Triệu Đà, có thuyết dựa trên thần phả  làng Đồng Xâm chép ông có tên Nguyễn Cẩn vốn dòng dõi vua Hùng,  lấy vợ  Việt  làm hoàng hậu Trình thị Lan Nương, người làng Đồng Xâm, tỉnh  Thái Bình, ông đồng hóa với phong tục Việt, xưng mình là người  Nam Di. 

Sách sử Trung Quốc chỉ chép  ông là người  quê quán ở Chân Định. Nhiều người lại gượng ép địa danh này cho vùng Chính Định, tỉnh Hà Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên trong huyền sử Việt cũng có nói về bộ Chân Định là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang thời cổ. 

                Ngày xưa, người Việt Nam gọi tên người Trung Quốc tùy theo triều đại : Người Tống, người Minh Hương hay người Ngô. Người  Trung Quốc tại Việt Nam cũng chỉ xưng mình là người Hẹ (Hắc Ka – Hải Nam), người Tiều (Triều Châu), người Quảng Đông, người Phúc Kiến. Danh xưng người Tàu  chỉ mới xuất hiện đầu thế kỷ 20 do chiến tranh Trung Nhật khiến hàng triệu người đi tàu vượt biển sang các nước Đông Nam Á. Trước đó  có chữ giặc Tàu Ô có nghĩa là cướp biển đi tàu mang cờ đen.

            Triệu Đà là một vị vua sáng suốt, anh minh, được nhân dân kính phục. Vùng Quảng Châu đời Đường, hơn bảy trăm năm sau, còn kể chuyện hồn  Triệu Đà nhập vào đồng cốt ban lời phán truyền, xử kiện. Triệu Đà trở thành thần, thành  Thành Hoàng nhiều nơi từ vùng Quảng Tây, Quảng Đông  đến miền Bắc nước ta. Người Nam Việt gọi chim Mông Đồng là vua loài chim Việt và ví Triệu Đà với loài chim quý đó. Ngày nay đi thăm vùng Quảng Tây ta còn thấy khắp nơi  hình ảnh các loài chim  vật tổ chim Mông Đồng  từng  được khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, nhiều nơi có tượng Triệu Đà.             

                Không nên lấy khái niệm quốc tịch, dân tộc, quốc gia ngày nay áp dụng vào lịch sử ngày xưa. Thời Xuân Thu Chiến Quốc đã có những tay du thuyết đi từ nước này sang nước khác, vị vua nào dùng thì phong tước, họ phục vụ làm đến Đại Thần,  Tể Tướng không  có chuyện  hỏi quốc tịch. Có những tướng lãnh bỏ nước này sang nước khác làm tướng, khi thời cơ đến tay thì họ phất cờ xưng vương, xưng đế. Có những thương nhân đi từ nước này sang nước kia buôn bán, có người buôn ngọc và  buôn cả vua như Lã Bất Vi, cha huyết thống của Tần Thủy Hoàng.  Có những nhà sư  Tây Trúc từ núi cao, xuống núi đi dọc theo sông Dương Tử, sông Hoàng Hà, sông Hồng, sông Cửu Long để truyền đạo.              

                Các sử gia vùng Trung Nguyên Hoa Hạ, gọi dân tộc Bách Việt ‘trăm trứng nở trăm con’ này là Nam Di, luôn luôn kháng cự nhiều lần  đánh bại quân đội nhà Tần, nhà Hán. Các sử gia Việt Nam từ Lê Văn Hưu đều công nhận nhà Triệu là một triều đại nước ta trừ Ngô Thì Sĩ và gần đây là Đào Duy Anh. Nói đến Triệu Đà chúng ta không quên chuyện Trọng Thủy, Mỵ Châu, chuyện thành Cổ Loa của vua An Dương Vương. Chiếc nỏ thần thời  An Dương Vương, ngày nay tìm thấy có lẽ  là bộ cơ khí đúc bằng đồng hàng loạt, gắn vào nỏ gỗ, cung tên dàn sẵn, chỉ cần bật cò  là hàng loạt tên tung bay. Những khảo cổ ngày nay tìm được những mộ cổ Triệu Văn Đế, phong phú với  hàng ngàn hiện vật vàng, ngọc, đồng, sắt, đồ gốm, sứ,  ấn vàng xưng đế hiệu, áo  chôn nhà vua bằng  2291 mảnh ngọc kết dính lại bằng  tơ đỏ (ti lũ ngọc y), nhiều sản phẩm đến từ  Iran, Phi Châu gồm cả thuốc men, thực phẩm, tơ lụa. Nhà Triệu nước Nam Việt là thời đại hưng thịnh có buôn bán với các nước Tây Á, Phi Châu, có một nền độc lập với Nhà Hán.  Dân tộc Nam Việt có một nền văn minh, tiếng nói, riêng biệt.             

         Sử Trung Quốc cũng chỉ công nhận Nam Việt thuộc nhà Hán từ đời Hán Vũ Đế . Vào năm 111 TCN vua Vũ Đế sai Lộ Bác Đức và Dương Bộc đánh nhà Triệu lấy nước Nam Việt rồi cải  là Giao Chỉ Bộ, chia làm 9 quận. Năm 1802 vua Gia Long sai Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức đi sứ, xin  công nhận tên nước ta là Nam Việt, nhưng nhà Thanh không chịu, cải tên thành Việt Nam.

                 Nguyễn Du đã hiểu rõ nỗi lòng Triệu Đà, một thủ lãnh chính trị khôn ngoan,  khi viết bài thơ ĐẤT CŨ TRIỆU ĐÀ :

Tần Sở bạo cường cũng nát tan,

Ung dung  khiêm tốn  giữ trời Nam.

Ngôi  cao  hoàng đế xưng tùy thích,

Tiếp đãi nhà nho biết nhịn nhường.

Đài cao Lĩnh Biểu ngoài kia đổ,

Mộ cũ Phiên Ngung một nấm còn,

Thương biết bao nhiêu triều đại đổ,

Không bằng được cảnh Lão Già Man.

                Trong khi Triệu Vũ Đế gây dựng cơ nghiệp ở Nam Việt thì  ở vùng Trung Nguyên, Lưu Bang trừ được nhà Tần, diệt được Sở Bá Vương Hạng Vũ, thống nhất thiên hạ lên ngôi Hoàng đế tức vua Cao Tổ nhà Hán.

                “Năm 183 TCN vua Cao Tổ nhà Hán mất rồi, bà Lữ Hậu lâm triều tranh quyền Huệ Đế, rồi lại nghe lời dèm pha, cấm không cho người Hán buôn bán những đồ vàng bạc, đồ sắt và những đồ điền khí cho người  Nam Việt. Triệu Đà lấy làm tức giận, lại ngờ cho Trường Sa Vương xui Lữ Hậu làm như vậy bèn tự lập làm Nam Việt Hoàng đế, rồi cử binh mã sang đánh quận Trường Sa, tỉnh Hồ Nam.

                 Năm 181 TCN, Hán Triều sai tướng đem quân đánh Nam Việt. Quân nhà Hán chịu không được phong thổ phương Nam, nhiều người mắc bệnh tật, bởi vậy phải thua chạy về Bắc. Từ đó thanh thế Triệu Vũ Đế lừng lẫy, đi đâu dùng xe ngựa theo nghi vệ Hoàng Đế như vua nhà Hán .

                Triệu Vũ Đế truyền ngôi lại cho cháu đích tôn tên là Hồ tức Triệu Văn Đế (137-125 TCN) trị vì được 12 năm. Triệu Văn Đế vốn là người tầm thường, tính khí nhu  nhược không được như Triệu Vũ Đế, khi mới lên làm vua được hai năm, vua Mân Việt (tỉnh Phúc Kiến) đem quân sang đánh phá chỗ biên thùy nước Nam Việt. Triệu Văn Đế không dám đem binh mã chống cự mà sai sứ sang cầu cứu triều Hán. Vua Hán sai Vương Khôi và Hàn An Quốc đi đánh Mân Việt. Quân Mân Việt thấy quân Hán đến nơi, nên bắt vua Mân Việt giết đi đem đầu nộp nhà Hán. Mân Việt đã bình rồi. vua Hán sai Trang Trợ sang chiêu dụ Triệu Văn Đế sang chầu, nhưng quần thần xin đừng đi. Vua Triệu Văn Đế bèn sai Thái Tử Anh Tề đi thay. Anh Tề ở bên triều Hán mười năm, đến khi Triệu Văn Đế mất mới về nối ngôi. Thái Tử Anh Tề làm vua tức Triệu Minh Đế (125-113 TCN), trị vì 12 năm.  Anh Tề  khi làm con tin ở Hán có lấy vợ là Cù Thị, khi lên làm vua lập Cù Thị làm Hoàng Hậu và con làm Thái Tử. Triệu Minh Đế mất, Thái Tử Hưng lên làm vua tức Triệu Ai Đế trị vì được một năm. Nhà Hán sai An Quốc Thiếu Quí sang dụ Nam Việt về chầu. Thiếu Quí trước là tình nhân của Cù Thị, đến khi sang Nam Việt gặp nhau tư thông với nhau và dỗ dành Ai Đế đem nước Nam Việt dâng nhà Hán.

                Tể Tướng Lữ Gia  biết rõ tình ý khuyên ngăn không được, truyền hịch và đem quân giết sứ nhà Hán, Cù Thị và Ai Đế. Rồi Lữ Gia tôn con trưởng của Triệu Minh Đế là Triệu Kiến Đức với mẹ người Nam Việt lên làm vua. Triệu Kiến Đức lấy hiệu là Triệu Dương Đế, tại vị được  một năm thì vua Vũ Đế nhà Hán sai Phục Ba tướng Quân, Lộ Bác Đức đem năm đạo quân sang đánh Nam Việt. Lữ Gia chống cự không lại cùng vua rút lui, đều bị bắt giết. Năm 111 TCN nước Nam Việt bị người Tàu chiếm lấy cải là Giao Chỉ bộ chia làm chín quận đặt quan cai trị.

                Thời Tam Quốc, Tôn Quyền cho người tìm mộ nhà Triệu, và đã tìm  ra được mộ Anh Tề và lấy được nhiều vật quý. Mộ Triệu Đà cho đến nay vẫn chưa tìm được.

                Tháng 8 năm 1980, tại gò Tượng Cương ở Quảng Châu, nhân việc đào đất xây chung cư đã tìm ra được mộ Triệu Văn Đế, cháu nội  kế vị Triệu Đà với chiếc ấn vàng ‘Văn Đế Hành Tỉ’ và hàng ngàn hiện vật quý trong mộ táng, xác ướp được mặc chiếc áo bằng ngọc từng miếng vuông kết dây vàng.

Các bạn thân mến !

                Nhà Triệu là triều đại  tập họp các dân tộc Bách Việt đầu tiên việc kế thừa truyền cho con cháu. Trước đó nước ta các  vua Hùng kế thừa bằng các cuộc thi : thi nấu ăn như sự tích bánh dày bánh chưng, thi dâng lễ vật như chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh, thi đấu vật.              

               Các di chỉ khảo cổ cho thấy nhà Triệu tại Quảng Châu  ngàn năm trước đó đã có một tổ chức xã hội khá cao vá quy củ. Có giao thương buôn bán với các nước Ba Tư (Iran), Ấn Độ, Phi Châu.

Trước sự bành trướng của nhà Hán, vùng Quảng Đông, Quảng Tây là những lãnh thổ dân tộc Bách Việt bị  đồng hóa. Nước ta không có sách sử ghi chép nhiều những sự kiện trước thời nhà Lý. Việc tìm kiếm những tư liệu về các dân tộc vùng Bách Việt, về nước ta thời Bắc Thuộc:  Tam Quốc Tôn Quyền cai trị, thời nhà Đường, nhà Tùy cai trị trong sách sử Trung Quốc là những việc cần thiết để hiểu hơn một giai đoạn trong lịch sử Việt Nam.

 

by Thái Tử Sin

Chào mừng các bạn đến với kênh website Thái Tử Sin TV. - $$$ DONATE: Mọi ủng hộ tài chính để phát triển kênh Thái Tử Sin TV vui lòng gửi tới tài khoản Techcombank: 19021947007023 - Chủ TK: Nguyen Thi Lang

Theo dõi trên các nền tảng khác Twitter | Facebook | Google Plus

No Comment