Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, phần lời tựa
của Ngô Sĩ Liên chép: “Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân
chia giới hạn Nam–Bắc. Thủy tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời
sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương”.
Thần Nông là một vị vua thượng cổ có ảnh hưởng tới nền
văn minh lúa nước, vị tổ sơ khai của nền y học đông phương.
Thần Nông (神 農 – Vị Thần
Nghề Nông), còn được gọi là Viêm Đế (炎 帝 – Vua Nhiệt
Đới) hay Ngũ Cốc Tiên Đế (五 穀 先 帝 – Vua Đầu
Tiên Trồng Ngũ Cốc) hay Ngũ Cốc Thần (五 穀 神 – Vị Thần
Ngũ Cốc).
“Thần Nông là vị Vua huyền thoại của nhà nông,
là ông tổ nghề trồng lúa nước, người đã sáng chế ra các loại nông cụ cày cấy và
dạy cho dân vùng đồng bằng biết cách trồng trọt mà sinh sống.”
Thời kỳ Ngài thì con người sống rất bình đẳng
xã hội công bằng, đàn ông làm ruộng đàn bà dệt vải, không có nhà tù không có
quân đội,… mọi người chung sống và thương yêu nhau, là một xã hội đại đồng, là
một xã hội mà người xưa mong ước.
Trước thời Ngài, con người dựa vào cây cỏ
và cầm thú hoang dã để nuôi sống. Đến thời Ngài dân số phát triển đông đúc hơn,
cầm thú không đủ. Ngài mới nghĩ, con người cần phải có cái để thay thế và tìm
ra ngũ cốc. Ngài làm ra nông cụ, chặt gốc làm cái cuốc, đẽo gỗ làm cái cày, dạy
dân cày cuốc và trồng năm loại hạt (hay gọi là ngũ cốc), đó là: lúa, kê, vừng,
lúa mì, và các loại đậu.
Người ta nói Ngài dạy dân làm lễ “Lễ Thượng
Điền” (Còn gọi là Lễ Tịch Điền, tổ chức sau khi thu hoạch mùa màng) và “Lễ Hạ
Điền” (Tổ chức khi sắp gieo trồng). Hai lễ là rất quan trọng trong các triều đại
nhà nước Phong Kiến, và tổ chức rất long trọng hàng năm. Ngày nay, dân gian ở một
số địa phương các nước vẫn còn duy trì.
Thời bấy giờ, con người còn ăn thịt sống,
ăn cây cỏ và trái hoang dã, uống nước sông suối, … nên thường bị trúng độc và bệnh
tật phát sinh. Ngài thấy dân chúng bị bệnh hay độc hành hạ mà không có cách trị,
rất đau lòng. Từ ý tưởng dùng ngũ cốc nuôi sống con người, Ngài nảy sinh ra ý
dùng cây cỏ để chữa bệnh con người. Và Ngài dùng thân mình nếm hàng trăm loại
cây cỏ để tìm dược tính.
Do Ngài có cơ địa đặc biệt, nên khi nếm
sẽ thấy được dược tính sẽ tác dụng đến bộ phận nào trên cơ thể. Ngày nay, y học
Đông Phương còn lưu truyền quyển “Thần Nông bản thảo kinh”, người ta cho rằng
là của Ngài.
Truyện Hồng Bàng Thị, sách Lĩnh Nam Chích
Quái ghi: “Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi
đi nam tuần đến dãy Ngũ Lĩnh, gặp con gái bà Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới
đem về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy
làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh. Đế Minh lập Đế Nghi làm tự
quân cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam,
đặt quốc-hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương xuống Thủy phủ, cưới con gái vua Động
Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân; Lạc Long Quân thay cha
để trị nước, còn Kinh Dương Vương không biết đi đâu.”
Việt Nam ta ngày xưa, từ thời Đinh, Lý, Trần,
Lê đến Nguyễn đều lập đàn Xã Tắc: “Đàn Xã Tắc thờ thần Đất và thần Nông (Xã là
đất và Tắc là Ngũ Cốc, Thần Ngũ Cốc cũng có nghĩa là Thần Nông).
“ Trong các nghi lễ do triều đình chủ
trì ngày xưa, cúng đàn Xã Tắc và cúng đàn Nam Giao có ý nghĩa thiêng liêng bậc
nhất, trong đó đàn Xã Tắc là biểu tượng của đất nước, quốc gia, dân tộc.” . Việc
tế lễ diễn ra hàng năm hai kỳ rất trọng thị.
Theo chỉ dụ của vua Minh Mạng, hàng năm sau tiết Đông chí, tòa Khâm thiên giám phải lo sửa soạn việc
tế lễ Thần Nông. Các quan cùng nhau họp để nặn trâu và tượng Thần Nông.
Trước ngày lập xuân hai ngày, tại gần cửa thành Đông
Ba (ngày nay là cửa chính Đông), các quan Khâm thiên giám cho lập
một cái Đài hướng
đông. Trâu và tượng Thần Nông cũng được đưa tới lưu tại phủ Thừa
Thiên để ngày hôm sau các quan trong phủ mới rước từ phủ tới
Đài. Các quan vận lễ phục, có quân lính mang gươm giáo, tàn lọng, cờ quạt theo
hầu.
Các bạn thân mến ! Người Việt ngày nay
có thể sẽ ít người biết và để ý tới Thần Nông, vị thủy tổ của người Việt chúng
ta. Nhưng ngày xưa, người Việt đặc biệt là các bậc vua chúa rất quan tâm đến việc
thờ cúng và tế lễ Ngài.
Hy vọng rằng qua bài viết này người Việt
sẽ hiểu rõ hơn về căn cước và cội rễ của dân tộc mình, một dân tộc có nền văn
minh văn hóa trồng lúa nước hiền hòa và nhân nghĩa ngay từ thuở ban đầu.
No Comment