Người Thái gốc Việt – Một lịch sử đầy biến động Thái Tử Sin TV Sunday, May 31, 2020 No Comment


Ở Thái Lan hiện nay cũng có các cộng đồng người gốc Việt. Ước tính có khoảng 100 ngàn người, và hầu hết đã đồng hóa vào xã hội của Thái Lan.
Việc người Việt di cư sang Thái Lan diễn ra qua mấy giai đoạn lịch sử, phản ảnh tình hình chính trị và xã hội dao động tại Việt Nam.
Đợt di dân đáng kể lúc đầu là khoảng năm 1780, trong số đó có Nguyễn Phúc Ánh cùng gia thần trốn sang Bangkok  để tránh cuộc truy đuổi của quân Tây Sơn. Năm 1787 tướng Nhà Nguyễn là Nguyễn Huỳnh Đức bị quân Tây Sơn đánh bại, phải dẫn tàn quân khoảng 5000 người trốn theo đường thượng đạo qua Lào để đến đất Thái. Khi Nguyễn Ánh trở về nước thì vua Xiêm ép các di thần Nhà Nguyễn phải ở lại. Đó là hạt mầm của cộng đồng người Việt tại Thái Lan sau này; các sử gia ước tính khoảng hơn 3000 người gồm binh lính và giáo dân đã ở lại Xiêm khi Nguyễn Ánh trở về tái chiếm Gia Định. Xiêm triều cho họ ngụ ở Bangpho (บางโพ) phía bắc Bangkok.  

Ngôi chùa Wat Annamnikayaram (วัดอนัมนิกายาราม) ở Bangpho là do cộng đồng người Việt lập nên từ thời kỳ đó. Tập trung ở vùng Bankok, nhóm di dân này đa số là nam giới nên họ lấy vợ bản xứ người Thái hoặc người Hoa, hậu duệ thường không nói được tiếng Việt mà chỉ biết mù mờ là họ gốc gác người Việt mà thôi. Những ngôi chùa của người Việt sau đó cũng được triều đình Thái sắc phong, công nhận phái tu Đại Thừa của người Việt là An Nam tông (tiếng Thái: Annamnikaya อนัมนิกายา). 
                                                Chùa người gốc Việt tại Thái Lan
Năm 1785 lại có 580 người đạo Công giáo theo đường biển đến Samsen (สามเสน) (nay thuộc Bangkok) không lâu sau khi Nguyễn Phúc Ánh đến tá túc ở đất Thái.  Khoảng triều Minh Mệnh trở đi khi việc cấm đạo thiên chúa giáo càng ngặt thì số người Việt theo đạo tỵ nạn ở Xiêm càng đông. Số lớn định cư ở Chân Bôn, tức Chanthaburi vùng đông nam Thái Lan theo ngả đường biển. Đến cuối thế kỷ 19 thì một số lại sang Thái theo ngả đường bộ, định cư ở vùng đông bắc Thái Lan (Isan). Người gốc Việt cũng là nguồn nhân lực lớn trong hoạt động của các giáo xứ Công giáo Thái Lan, và trong chủng viện tại Sriracha ở Chonburi.
Nhà thờ của người gốc Việt tại Thái Lan

Cộng đồng người Việt tại Thái có sức mạnh đáng kể nên năm 1905 Hoàng thân Cường Để và Phan Bội Châu khi lánh ra nước ngoài để vận động phong trào chống Pháp thì đều ghé Thái Lan tìm nguồn ủng hộ. Việt Nam Phục quốc Hội đã dùng Thái Lan làm nơi tập hợp để chuyển người sang Nhật Bản và Trung Quốc. Nhóm Duy Tân hội thì khoảng những năm 1908-1912 còn phái người sang Thái Lan làm ruộng cùng các nghề khác sinh nhai để tài trợ cho công cuộc đánh Pháp ở quê nhà. Đảng Cộng sản Đông Dương cũng hoạt động mạnh trong cộng đồng người Việt từ khoảng thập niên 1920 trở đi với những đoàn thể "Cứu quốc".Theo tài liệu của Pháp thì tổng số người Việt ở Xiêm vào cuối thập niên 1920 là khoảng 30.000.
Hoàng thân Cường Để và Phan Bội Châu

Khi chiến tranh Đông Dương bắt đầu vào thập niên 1940 thì một làn sóng người Việt ở Lào và Campuchia ùa sang đất Thái tỵ nạn dọc vùng sông Mekong. Tổng số vào năm 1946 là 46.700 người, đa số gốc từ miền Bắc sang nương náu ở Nakhon Phanom và Mukdahan sau khi quân đội Pháp mở cuộc tái chiếm Lào và ném bom Thakhek. Khoảng 10.000 người sau đó hồi hương nhưng 40.000 người vẫn lưu lại đất Thái vì sau đó tân chính phủ Lào độc lập thay đổi quyền công dân, liệt nhóm người này là ngoại kiều, không phải quốc tịch Lào nên không cho phép họ về đất Lào. Sang thập niên 1950, khi lực lượng Việt Minh lên nắm quyền ở Hà Nội thì Chính phủ Thái cho rằng di dân người Việt, trong số đó có tỷ lệ không nhỏ có cảm tình với Việt Minh, là mối đe dọa cho nền an ninh Thái, nên Bangkok tìm cách đuổi họ về. Mối quan tâm của Bangkok càng tăng khi quân Pathet Lào được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hậu thuẫn ở Lào.
Trên giấy tờ thì việc hồi hương là hoàn toàn tự nguyện. Nhưng thực tế là do chính phủ Thái đã không hợp thức hóa nhóm người Việt di cư vào thập niên 1940 cùng với việc gây khó dễ cho họ về mặt sinh nhai nên việc ghi danh hồi hương là có áp lực chứ không hẳn là tự nguyện.
Năm 1960, Hà Nội và Bangkok thỏa thuận qua trung gian Hội Hồng thập tự xúc tiến hồi hương; khoảng 35.000 người trên 58 chuyến tàu từ Bangkok được chở về Hải Phòng trong thời gian hai năm (1960-1962).

Tuy nhiên vẫn còn một số đã ghi danh hồi hương nhưng không đi được và ở lại đất Thái. Con số này đến năm 1964 là  36.437 người Sang thập niên 1970 với thế hệ thứ hai sinh sống tại Thái Lan, con số này là khoảng 50.000 người. Họ được xem là "người Việt mới" (tiếng Thái: Yuan mai), khác với "người Việt cũ" trước thập niên 1940.
Tính đến năm 1975 thì tổng cộng có 80.000 người Việt (cả "cũ" và "mới") trên đất Thái.
Theo nhà chức trách Thái thì năm 1997 có 43.690 người Việt sinh sống tại Thái Lan, trong số đó 26.423 người đã nhập tịch Thái hoặc có giấy tờ hợp thức. Con số không chính thức có thể lên tới 100.000 người.
Hiện nay, trong hơn 20 tỉnh tại Thái Lan có đông Việt kiều sinh sống, đã có 9 tỉnh được chính quyền địa phương cho phép thành lập Hội, tạo điều kiện để bà con Việt kiều thuận lợi trong sinh hoạt cộng đồng, hướng về đất nước và đóng góp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Thái Lan.

Các bạn thân mến ! Hiện nay với việc vị thế chính trị và tiềm lực kinh tế của Việt Nam đang ngày càng tăng trên thế giới. Cùng với mối quan hệ giữa 2 quốc gia Việt Nam và Thái Lan đã có những bước phát triển thực chất, thì cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan cũng đã được tạo điều kiện nhiều hơn để sinh sống và phát triển ổn định, đóng góp vào tình hữu nghị chung giữa 2 quốc gia và dân tộc.


by Thái Tử Sin

Chào mừng các bạn đến với kênh website Thái Tử Sin TV. - $$$ DONATE: Mọi ủng hộ tài chính để phát triển kênh Thái Tử Sin TV vui lòng gửi tới tài khoản Techcombank: 19021947007023 - Chủ TK: Nguyen Thi Lang

Theo dõi trên các nền tảng khác Twitter | Facebook | Google Plus

No Comment