Trong sách sử của Trung Quốc ngày xưa thì người Hán
luôn coi họ là trung tâm, và coi các dân tộc xung quanh là các giống dân kém
văn minh. Mỗi lần người Hán đi xâm lược vùng đất mới thì một trong các việc họ
làm đầu tiên là tiêu hủy các văn tự cổ và lịch sử của dân tộc vùng đất đó.
Chính vì thế mà sau này các dân tộc đó rất khó để truy tìm nguồn gốc của mình
mà phải dựa vào sử Hán, vốn dĩ đã đầy chủ ý sai lạc. Người Việt cũng không phải
ngoại lệ khi bị người Hán coi là giống dân không văn minh, là man di sau khi đã
xâm lược và tiêu hủy toàn bộ văn thư cổ của dân tộc ta. Do vậy mà người Việt vừa
phải đấu tranh giữ nước, lại vừa phải đốt đuốc trong màn đêm để soi tỏ quá khứ
của mình.
Tổ tiên người Việt đã nhiều lần khẳng định dân tộc Việt
là một dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến, không thua kém người Hán, thậm chí còn
đã vượt lên từ thuở ban đầu. Tuy nhiên nhiều người Việt hiện nay theo các luận
điểm thiên kiến trong sách sử Hán đã không tin các truyền thuyết mà tiên tổ người
Việt để lại. Và thậm chí còn đau lòng hơn khi họ lại đồng tình cùng các nhà
chính trị Trung Quốc để lên tiếng đả phá các luận điểm của các nhà nghiên cứu
Việt trong công cuộc truy tìm căn cước lịch sử.
Tuy nhiên bụi có dày thì cũng vẫn có thể gột rửa. Lớp
bụi mờ ngàn năm phủ lên nền văn minh người Việt dù có bị người Hán thay tên đổi
họ, hay dù có bị người Hán chiếm giữ thì cũng đã đến lúc nó phải hiển lộ, huy
hoàng như chính bản thân nó vẫn như vậy.
Một trong những phát hiện khảo cổ giúp chúng ta tìm ra
được phần nào ánh hào quang của nền văn minh Việt cổ chính là việc phát hiện ra
nền văn hóa Lương Chử.
Khu vực di chỉ khảo cổ văn hóa Lương Chử
Văn hóa Lương Chử có niên đại từ khoảng 3400 cho
đến 2250 TCN, là nền văn hóa ngọc thạch cuối cùng của thời đại đồ đá mới tại
châu thổ sông Trường Giang. Phạm vi của nền văn hóa
này trải rộng từ khu vực Thái
Hồ đến Nam
Kinh và
Trường Giang ở phía bắc, tới Thượng Hải và biển ở phía đông,
và tới Hàng Châu ở phía nam. Nền văn
hóa này có sự phân tầng ở mức độ cao. Các đồ tạo tác từ ngọc thạch, tơ lụa, ngà
voi, đồ gỗ sơn chỉ phát hiện được trong các ngôi mộ của tầng lớp trên, còn những
cá nhân nghèo khó hơn thường được chôn
cất cùng
với đồ gốm. Di chỉ đặc trưng Lương Chử được phát hiện tại khu Dư Hàng của Chiết
Giang, và ban đầu được Thi Hân Canh khai quật vào năm 1936.
Nền văn hóa này sở hữu hoạt động nông nghiệp tiên tiến,
bao gồm thủy lợi, ruộng lúa và nuôi thủy sản. Các ngôi nhà của cư dân thường được
xây dựng với các cột sàn trên sông hoặc tại bờ biển.
Ngọc thạch của văn hóa Lương Chử tiêu biểu là những vật
mang tính lễ nghi có kích thước lớn và được làm một cách tinh xảo, thường được
chạm khắc theo mô dạng thao
thiết. Các đồ tạo tác đặc trưng nhất của văn hóa Lương Chử
là tông.
Tông lớn nhất được khai quật nặng 3,5 kg. Bích và việt cũng
được phát hiện. Người ta cũng phát hiện thấy đồ trang sức làm bằng ngọc thạch
dùng để đeo, được trang trí bằng cách chạm khắc các biểu tượng chim, rùa và cá
nhỏ. Nhiều đồ tạo tác làm từ ngọc thạch thuộc văn hóa Lương Chử có bề ngoài trắng
sữa giống như màu xương do có nguồn gốc đá tremolite và
ảnh hưởng từ chất lỏng tại điểm mai
táng, song cũng thường phát hiện thấy đồ ngọc thạch làm từ actinolit và serpentin.
Người ta khai quật được một bệ thờ thời đại đồ đá mới
thuộc văn hóa Lương Chử khi khai quật tại Dao Sơn ở Chiết Giang, chứng minh rằng
công trình tôn giáo được xây dựng công phu và các cột đá và tường đá được đặt cẩn
thận: điều này cho thấy tôn giáo đã có tầm quan trọng đáng kể. Bệ thờ có ba mức,
cao nhất là một bục kháng thổ, có thêm ba bục nữa được lát bằng đá cuội. Vẫn
còn lại một bức tường bằng đá. Ở sát bệ thờ có 12 ngôi mộ xếp thành 2 hàng.
Chính quyền tỉnh Chiết Giang đã công bố phát hiện mới
về một di chỉ tường thành cổ vào ngày 29 tháng 11 năm 2007. Toàn bộ các di vật
trước đó được xác định là một bộ phận của quá trình xây dựng thành. Người ta kết
luận rằng khu thành là thủ đô của một vương
quốc cổ xưa, có ảnh hưởng xa đến khu vực các tỉnh Giang Tô, Thượng Hải và Sơn
Đông ngày nay. Một bảo tàng Văn hóa Lương Chử mới đã được hoàn tất vào năm 2008
và mở cửa vào cuối năm đó, nằm tại Hàng Châu.
Thành cổ Lương Chử
Khảo cổ học xác định văn hóa Lương Chử xuất hiện từ
3300 năm TCN. Trong khi đó truyền thuyết nói Thần Nông sống khoảng 3320-3080
năm TCN. Điều này cho thấy sự trùng hợp phải nói là kỳ diệu giữa truyền thuyết
và tài liệu khảo cổ. Chu dịch ghi “Bào Hy thị một, Thần Nông thị xuất.” Như vậy
nhà nước Thần Nông hình thành trên cương vực của nhà nước Bào Hy và từ đó phát
triển lên. Việc truyền thuyết ghi Kinh Dương Vương lên ngôi, lập nhà nước Xích
Quỷ năm 2879 TCN – hơn 400 năm sau khi nhà nước Lương Chử hình thành – cho thấy
vương quốc Xích Quỷ ra đời đúng vào thời kỳ sung mãn của văn minh Lương Chử.
Khảo cổ học cho thấy lãnh thổ nhà nước Lương Chử chiếm
trọn vẹn lưu vực sông Dương Tử. Phía tây bắc vươn tới Sơn Tây. Phía Đông Bắc chạm
tới vùng Sơn Đông, có bộ phận vượt sông Dương Tử lên bờ Bắc.
Trong khi đó truyền thuyết nói nước Xích Quỷ: bắc tới
Hồ Động Đình, đông tới Biển Đông, tây giáp Ba Thục, nam tới nước Hồ Tôn. Như vậy
ranh giới của Xích Quỷ gần như trùng với ranh giới của nhà nước Lương Chử. Cố
nhiên, ta biết, ranh giới quốc gia theo truyền thuyết và ranh giới quốc gia
theo khảo cố chỉ là tương đối bởi lẽ thường có sự chồng lấn văn hóa nên ranh giới
văn hóa thường không phải là ranh giới quốc gia. Dù có như vậy thì ta cũng thấy
một thực tế là về đại thể, ranh giới của nhà nước Lương Chử trong khảo cổ học gần
khớp với ranh giới của nước Xích Quỷ truyền thuyết.
Trong khi khảo cổ học phát hiện kinh đô Lương Chử vùng
Thái Hồ thì truyền thuyết nước Xích Quỷ hầu như không nói tới Thái Hồ mà chỉ nhắc
tới hồ Động Đình là nơi mà Kinh Dương Vương đi chơi thuyền rồi gặp Long nữ con
gái Động Đình Quân. Cũng ở đây còn có sông Tương với cánh Đồng Tương là nơi các
người con của Lạc Long Quân gặp lại nhau. Như câu hát ru dân gian nhắc tới trăng
Tiền Đường:
Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
Trăng Tiền Đường thức đủ năm canh.
Sông Tiền Đường là dòng sông lớn nhất của tỉnh Chiết
Giang, bắt nguồn từ vùng ranh giới giữa hai tỉnh An Huy và Giang Tây, chảy theo
hướng tây nam-đông bắc qua Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, đổ ra vịnh Hàng
Châu.
Những điều trên phải chăng là chút ánh sáng từ ngôi
sao đã tắt gửi tới chúng ta dấu vết hiếm hoi của tổ tiên từng sống bên sông Tiền
Đường?
Từ vật chứng ADN lấy trực tiếp trên di cốt Lương Chử,
khoa học xác nhận, dân cư Lương Chử gồm hai dạng có mã di truyền M122 và M119.
M122 chính là chủng Indonesian, M119 chính là chủng Melanesian, hai chủng người
đa số được sinh ra ở Việt Nam 70.000 năm trước và 40.000 năm trước đã đi lên Hoa lục. Hai chủng người làm nên dân cư
Lương Chử.
Từ vật chứng khảo cổ, các học giả Trung Quốc thừa nhận, chủ
nhân nền văn hóa Lương Chử là người Lạc Việt. Từ những hình thao thiết “thần
nhân thú diện” khắc trên ngọc thờ, các học giả Trung Quốc xác nhận: người Lương
Chử là “Vũ nhân” hay “Vũ dân” (羽人或羽民)
thờ vật tổ chim và thú. Ta nhận ra ở đây mối liên hệ sâu thẳm từ trong quá khứ.
Đó là hai vạch song song được khắc trên những hòn đá mài ở văn hóa Bắc Sơn mà
khảo cổ học gọi là “dấu Bắc Sơn.” Nhiều học giả giải thích đó là biểu hiệu của
quan niệm “song trùng lưỡng hợp” của người Việt. Quan niệm này được phản ánh
trong truyền thuyết Hồng Bàng thị. Ta có thể suy đoán: chủ nhân của văn
hóa Lương Chử là thị tộc Hồng Bàng.
Qua các dấu vết khảo cổ học và thời điểm lịch sử,
ta thấy có sự tương đồng giữa nhà nước Lương Chử được khảo cổ học phát hiện và
nhà nước Xích Quỷ trong truyền thuyết của người Việt Nam.
Văn hóa Lương Chử là một minh chứng rõ ràng cho nền
văn minh cổ xưa 5000 năm của đại tộc Bách Việt , vĩ đại và vượt trên văn minh của
người Hán từ rất sớm. Nền văn minh đó đã bị bụi mờ che phủ, các chủng tộc anh
em Bách Việt kẻ còn người mất. Nhưng bằng những thành tựu về khảo cổ học thì nền
văn minh đó môt lần nữa hiện hữu trở lại, huy hoàng như chính bản thân nó vốn
dĩ như vậy. Các lớp người Việt hàng ngàn năm nay, hết lớp này đến lớp khác đã đứng
lên và ngã xuống chỉ với mục đích giữ gìn sư độc lập tự do và để danh xưng Đại
Cồ Việt, Đại Việt, Việt Nam sẽ mãi mãi vang danh khắp năm châu bốn bể.
No Comment